Trẻ sơ sinh ngủ hay giật mình: Mẹ ơi, chớ lo!

Chia sẻ :

Giật mình là một phản xạ bẩm sinh

Mỗi em bé được sinh ra với rất nhiều phản xạ khác nhau, bao gồm phản xạ bú, phản xạ tìm vú, phản xạ bước đi, phản xạ Babinski…. Giật mình cũng là một trong số những phản xạ này. Khi trẻ sơ sinh ngủ hay giật mình, bạn đừng vội lo lắng mà hãy thử quan sát xem đây có phải là phản xạ bình thường của bé hay không.

Phản xạ giật mình thường diễn ra theo một quy trình như sau: Bé căng người, giơ hai tay bật lên và xòe ra ngoài, các ngón tay vốn thường nắm chặt cũng xòe ra, đầu gối co lên, sau đó bé kéo cánh tay và bàn tay đã nắm chặt thành nắm đấm về sát cơ thể mình. Đây là một phản ứng mang tính tự vệ giúp bé bảo vệ mình trước những mối đe dọa và cảm giác bất an. Phản xạ này thường chỉ xảy ra trong vài giây ngắn ngủi, nhưng lại có thể khiến bé thức giấc về đêm. Một số bé có thể ngủ lại sau đó, nhưng một số khác thì không, và quấy khóc khiến bố mẹ cũng phải thức theo.

Trẻ sơ sinh ngủ hay giật mình

Hai tay bé xòe ra trong phản xạ giật mình

Những yếu tố dễ làm trẻ sơ sinh ngủ hay giật mình

Nhiều bé giật mình chẳng vì lý do gì cả. Nhưng trong nhiều trường hợp, tiếng ồn chính là một nhân tố chủ đạo gây ra tình trạng này. Khi bước ra thế giới đầy lạ lẫm bên ngoài bụng mẹ, lần đầu tiên bé biết nó ồn ào đến thế. Nào là tiếng đóng, mở cửa, nào là tiếng chuông điện thoại, nào là tiếng chó sủa, nào là tiếng nhạc khởi động máy tính… Cuộc sống vốn khá yên tĩnh và nhẹ nhàng của bé từ khi còn trong bụng mẹ bỗng chốc bị đảo lộn. Bé bất an và phản xạ giật mình xảy ra như một bản năng cơ bản để bảo vệ bản thân. Do đó, để khắc phục tình trạng trẻ sơ sinh ngủ hay giật mình thì trước hết, bạn phải đảm bảo phòng ngủ của bé hoàn toàn yên tĩnh. Hãy “dọn dẹp” những tác nhân gây tiếng ồn như điện thoại, máy tính ra khỏi không gian này, và nên tắt đèn khi bé ngủ để tạo ra cảm giác êm dịu.

 

Mẹo hay cho mẹ khi trẻ sơ sinh ngủ hay giật mình

  • Đặt bé vào nôi/giường từ khi bé còn tỉnh táo: Nếu bạn thường có thói quen bế con trên tay cho đến khi bé ngủ, nên thử thay đổi bước này một chút: Đặt bé xuống nôi, giường ngay khi bé vừa lim dim mắt và để con học cách tự ru mình ngủ. Nếu thiếp đi trên tay mẹ mà lại tỉnh giấc trên giường, bé sẽ thấy hoang mang và dễ giật mình, khóc quấy. Khi đặt bé xuống giường, bạn nên giữ tay bé một lúc để bé khỏi run và giật mình.
  • Quấn khăn cho bé: Việc quấn khăn cho bé cũng giúp giảm tình trạng giật mình. Khi được quấn trong một chiếc khăn, bé sẽ có cảm giác an toàn, như thể được quay về “ngôi nhà” tử cung của mẹ, nơi bé đã thân thuộc trong suốt hơn 9 tháng.
  • Bạn cũng sẽ dễ nhận thấy phản xạ giật mình xảy ra nhiều nhất khi bạn đang hạ bé từ trên tay xuống giường ngủ. Đó là do bé có cảm giác mình đang bị rơi xuống. Để khắc phục điều này, bạn nên bế bé càng sát thân mình càng tốt khi từ từ hạ bé vào nôi hay xuống giường. Vì lúc này, bé vẫn có cảm giác ở gần mẹ và an toàn nên phản xạ giật mình sẽ ít xảy ra hơn.
  • Khuyến khích bé vận động: Trẻ sơ sinh cần được vận động nhiều để tăng sức mạnh các cơ bắp và giúp bé mau biết kiểm soát cử động của mình. Bạn có thể thử cho bé nằm sấp để bé tự ngóc đầu lên, giữ bé ngồi trong lòng để bé tập kiểm soát đầu và cổ… Khi bé lớn hơn và kiểm soát được cử động cơ thể, giật mình chỉ còn là “dĩ vãng”.
     

Các bà mẹ thường truyền tai nhau rằng, trẻ sơ sinh ngủ hay giật mình là do thiếu canxi, thiếu vitamin D. Thực ra, chỉ có các chuyên gia về trẻ sơ sinh, nhũ nhi mới có thể đưa ra kết luận chính xác liệu bé cưng có thiếu chất hay không. Vitamin D là loại vitamin duy nhất được khuyến khích bổ sung cho trẻ sơ sinh, bằng cách cho bé uống 400 IU vitamin D hàng ngày hoặc cho bé tắm nắng. Ngoài ra, bạn nên cho bé bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời. Sữa mẹ có thành phần dinh dưỡng phong phú và cân bằng có thể đáp ứng 100% nhu cầu dinh dưỡng của bé trong giai đoạn này. Phản xạ giật mình là hoàn toàn tự nhiên và sẽ biến mất khi bé được 2-3 tháng tuổi.

---------------------------------------------

Tin tức cùng chuyên mục :

Tin tức khác :