Chia sẻ :
Các mẹ nuôi con nhớ nhé! Trong những năm đầu đời của con sẽ có những giai đoạn vàng cho mỗi cột mốc phát triển. Nếu phạm phải sai lầm thì thời gian không chờ đợi để mẹ sửa chữa đâu ạ. Đối với cột sống của bé cũng vậy. Nếu thờ ơ, mẹ sẽ vô tình để con gánh chịu hậu quả với những dị tật rất đáng thương như: gù lưng, vẹo cột sống, trật khớp hông… Và tất nhiên, điều này sẽ tác động rất lớn đến tương lai của con vì một khi vóc dáng đã bị biến dạng thì sự tự tin sẽ mất và cuối cùng sẽ đẩy bé vào những suy nghĩ tiêu cực. Chưa kể, một số tổn thương cột sống còn ảnh hưởng đến sức khỏe của bé.
Mẹ cần biết, trong những năm đầu đời, xương của bé sẽ tiếp tục phát triển và phát triển rất mạnh mẽ. Trong đó, giai đoạn hình thành 3 phần cong quan trọng của xương đều tập trung vào năm phát triển đầu đời:
+ Giai đoạn 1 - 3 tháng đầu tiên sau khi sinh: Lúc này, xương cột sống của bé tương đối mềm và thẳng. Các đốt cong không hề tồn tại. Mãi đến sau tháng thứ 3, đoạn cong của xương sống mới dần dần nhú lên ở phần sau gáy và lưng vai. Đây chính là đốt cong đầu tiên của cột sống và cũng là phần lồi nằm ngay trước xương cổ nếu mẹ chịu khó quan sát.
+ Giai đoạn 2 - Tháng thứ 6 sau sinh: Tháng này bé sẽ tự ngồi được mà không cần vật đỡ, người đỡ. Đây cũng chính là lúc đốt cong thứ hai ở cột sống ngực hình thành.
+ Giai đoạn 3 - Sau sinh 12 tháng: Khi bé bắt đầu đứng và chập chững những bước đi đầu tiên của mình, đốt cong cột sống thứ 3 cũng dần hình thành và vị trí đó nằm ngay ở phần thắt lưng. Lúc này, phần xương eo sẽ lồi ra phía trước.
Cả 3 đốt cong này đều rất quan trọng vì nó sẽ quyết định đến sức khỏe cột sống sau này của bé. Thậm chí nếu mẹ không biết cách chăm sóc, cột sống của bé sơ sinh cũng có thể bị cong và biến dạng. Đây cũng là chuyện đau lòng của nhỏ bạn em đó các mẹ!
Nhỏ cũng mới từ chỗ nhà em về thôi. Nó dắt con nó đi khám bệnh rồi rầu quá ghé qua nhà em chơi than vãn cho đỡ stress. Con nó mới gần 3 tuổi mà lưng đã cong vẹo hẳn một bên. Đầu thì chỉ nghiêng nghiêng nhìn chằm chằm 1 hướng chứ không dễ quay ngang, quay ngửa linh hoạt như mấy đứa trẻ bình thường.
Nó bảo bác sĩ khám cho con các kiểu. Xong, kết luận không phải bị bẩm sinh gì hết mà có thể là do tư thế ngồi từ nhỏ không đúng. Tiếp theo bác hỏi nhà có cho con dùng điện thoại không thì nó mới ngớ người. Chẳng những không mà thậm chí còn xài hơn cả người lớn. Tuổi đời mới gần 3 tuổi mà ngót nghét thâm niên xài điện thoại cũng gần 3 năm. Bác sĩ nghe xong chặc lưỡi "hỏng hết”.
Bạn em là đứa chăm con rất kỹ nhưng chồng nó thì vô tội vạ. Lúc nào về, cũng thảy cho con cái điện thoại xem. Lúc nào cũng thấy nó cắm đầu vào điện thoại xem, rồi chơi game. Ăn cũng phải có điện thoại, ngủ cũng phải điện thoại. Có hôm mẹ nó giận, giấu luôn điện thoại, nó còn quỳ xuống khóc lóc van xin như tội lắm nữa cơ! Giờ thì thấy hậu quả nhãn tiền luôn!!!
Thế mới nói, xương sống của trẻ rất dễ bị tổn thương vì nó đang trong giai đoạn hoàn thiện. Nếu các mẹ không quan tâm và chăm sóc con đúng cách thì hậu quả sẽ rất tai hại. Và đây là những việc làm sẽ tổn hại nghiêm trọng đến cột sống của con:
Bồng bế con thẳng người quá sớm
Như đã nói ở trên, 3 tháng đầu, xương cột sống của bé rất yếu. Do đó trong giai đoạn này, nếu bé thường xuyên được bế trong tư thế nằm thẳng sẽ gây áp lực lên xương cột sống và làm phát triển các dị dạng. Ngoài ra, với tư thế bế bé thẳng, trọng lượng đầu vốn nặng hơn thân sẽ chèn ép lên xương cổ và làm tổn thương đến khả năng phát triển vùng xương cổ. Thế nên, không phải muốn bế bé sơ sinh cách nào thì bế đâu nha! Phải bế theo đúng kỹ thuật, cho đầu bé hơi chếch lên và tay nâng đỡ phần gáy của bé. Cách bế này phải duy trì cho đến khi bé được đầy tháng, cứng cáp. Cách khác có thể dùng tư thế mẹ bồng con, tức cho bé nằm sấp lên vai mẹ và đưa tay đỡ lấy phần đầu bé.
Đến khoảng 6 tháng, bé có thể tự giữ vững đầu trên cổ và ngồi thẳng thì mẹ có thể bung lụa, cho con tập vận động để phát triển các kỹ năng cơ bản nhất. Nhưng mẹ nhớ, khi con còn bước đầu tập ngồi thì phải đỡ cho con nhé!
Ôm con trong vòng tay mẹ không rời
Những cái ôm thật sự đem lại nhiều lợi ích cho trẻ. Nhưng không phải vì thế mà lúc nào mẹ cũng ôm vào lòng. Kiểu ôm con không rời thường xuất hiện ở các mẹ nuôi con với tâm lý sợ con khóc, sợ con giật mình. Một số mẹ thậm chí còn ôm con trong suốt thời gian con ngủ. Nhưng điều này không tốt chút nào mẹ nhé! Bé sẽ bị cản trở hô hấp và bị cong cột sống, gây ra gù, nhất là khi mẹ ôm con nằm suốt trên võng.
Cho bé tập ngồi quá sớm
6 tháng là cột mốc quan trọng, đánh dấu việc bé tự ngồi mà không cần dựa vào ai hay cái gì. Nhưng không phải bé nào cũng giống nhau. Nhiều mẹ thấy con mới 4-5 tháng, có vẻ cứng cáp là dựng con dậy, tập cho ngồi như thế muốn đốt cháy giai đoạn. Đây là sai lầm rất lớn đấy ạ! Thứ nhất, khi ngồi quá sớm, xương chân bé sẽ bị ảnh hưởng, cong vẹo về sau vì tới lúc này, bé vẫn chưa thể duỗi thẳng đầu gối. Phải chờ đến sau 7 tháng, mẹ mới có thể tập cho bé ngồi và duỗi chân nhé! Chưa kể, khi bé chưa sẵn sàng để ngồi, thế ngồi của bé sẽ không thẳng và ảnh hưởng đến khung cột sống sau này đấy!
Cho bé ngồi xe đẩy quá sớm
Các mẹ mong con biết đi sớm nên cho con ngồi xe đẩy nhưng vô tình lại hại con bị con lưng, vẹo cột sống. Nguyên nhân là do sương cốt bé còn yếu, chưa đủ sức để chống đỡ với rất nhiều phản xạ bất ngờ và liên tục khi bé tập làm quen với hoạt động của chiếc xe đẩy.
Cho bé tiếp xúc đồ điện tử trong thời gian dài
Đây chính là nguyên nhân đáng lo ngại nhất. Hiện nay không bố mẹ không cho con dùng điện thoại để dụ bé ăn, dụ bé ngủ. Ngoài việc ảnh hưởng đến trí não, khiến bé chậm nói và hư mắt thì điện thoại còn rất hại cho cột sống của bé khi mà bé luôn nằm, ngồi không đúng tư thế khi dùng món đồ này.
Tất cả những việc làm này đều có thể vô tình khiến bé bị biến dạng cột sống, ảnh hưởng đến sức khỏe và vóc dáng trong tương lai. Chính vì vậy, em mong các mẹ nhà mình cũng sẽ quan tâm đúng mức đến vấn đề này để không bé nào phải chịu thiệt thòi vì sai lầm của bố mẹ nha!
---------------------------------------------
Tin tức cùng chuyên mục :
Tin tức khác :